1. Ô nhiễm rác thải nhựa là gì?
Ô nhiễm rác thải nhựa là sự tích tụ của các sản phẩm nhựa sau khi sử dụng trong môi trường gây ảnh hưởng xấu đến động – thực vật, môi trường sống và con người.
Các sản phẩm nhựa sau khi sử dụng có thể là các sản phẩm nhựa một lần như: túi nhựa, chai nhựa, ống hút nhựa hoặc các sản phẩm nhựa khác như: đồ chơi trẻ em, thau, chậu, bàn, ghế…
2. Ảnh hưởng của rác thải nhựa đến môi trường và hệ sinh thái
Với đặc tính bền, tiện dụng cao, giá thành rẻ, các sản phẩm từ nhựa đang được con người sử dụng rất nhiều. Tuy nhiên, nhựa rất khó để phân huỷ, chúng có thể mất tới 500 – 1000 năm nhựa mới bị phân huỷ trong môi trường tự nhiên.
Điều này dẫn tới việc rác thải nhựa xuất hiện ngày càng nhiều, có mặt ở khắp mọi nơi, gây ô nhiễm môi trường nặng nề, gây ra cái chết của nhiều động vật và ảnh hưởng tới cả con người. Cụ thể hơn:
2.1. Ô nhiễm rác thải nhựa là nguyên nhân của biến đổi khí hậu
Mọi giai đoạn trong vòng đời của nhựa, từ việc sản xuất cho đến xử lý sau khi sử dụng đều sản sinh ra khí nhà kính (khí CO2) gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu.
- Sản xuất nhựa: Bao gồm khai thác, vận chuyển, tinh chế nguyên liệu hóa thạch, chế biến thành phẩm… đều sẽ tạo ra khí CO2. Đặc biệt, với việc sản xuất nhựa từ nguồn nguyên liệu hóa thạch dầu mỏ thì việc chuyển hóa thường tạo ra nhiều khí CO2 và một số khí độc hại khác như NO, NO2, CO…
- Xử lý rác thải nhựa: Trong số rác thải nhựa được thải ra ngoài môi trường, chỉ có 1/3 được tái chế, 2/3 trong số đó sẽ được xử lý bằng hình thức chôn lấp, đốt hoặc đổ ra ngoài đại dương. Dù bằng cách nào chúng cũng đều tạo ra khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính.
Theo thống kê, năm 2019 việc sản xuất và xử lý nhựa toàn cầu đã tạo ra lượng khí gây hiệu ứng nhà kính tương đương với 189 nhà máy nhiệt điện than. Đến năm 2050, dự báo con số này có thể lên đến 615 nhà máy.
Nếu lượng rác thải nhựa ra môi trường không được cải thiện chẳng mấy chốc con người sẽ phải gánh chịu những hiểm họa khôn lường do biến đổi khí hậu gây ra như: băng tan ở hai địa cực, hạn hán, lũ lụt, sự sống của nhiều động thực vật bị đe doạ…
2.2. Tác động đến đất liền và hệ sinh thái trên đất
Sự tồn tại của nhựa trong đất sẽ khiến đất thiếu oxy, bị mất chất dinh dưỡng, cây trồng khó sinh trưởng và phát triển. Khi mưa lớn còn dễ dẫn đến tình trạng xói mòn, sạt lở đất, lũ hụt.
Đặc biệt, khi chôn lấp nhựa còn có thể giải phóng các hoá chất độc hại vào đất, làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, ảnh hưởng đến con người, động thực vật.
2.3. Gây ô nhiễm nguồn nước và đại dương
Theo báo cáo của tổ chức Bảo tồn Đại Dương, hơn một nửa số rác nhựa trong các đại dương đến từ các quốc gia Châu Á. Trong đó, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Sri Lanka là 5 quốc gia xả nhiều rác thải ra biển nhất.
Khi rác thải nhựa bị trôi ra biển, chúng sẽ nằm lại dưới đáy đại dương hoặc trôi nổi trên mặt nước hàng nhiều thế kỷ và trở thành thức ăn cho nhiều sinh vật biển. Chúng không chỉ huỷ hoại môi trường biển, mà còn gây tổn thất lớn cho cả kinh tế và sức khỏe của người dân ven biển.
- Về phương diện kinh tế: Rác thải nhựa làm cho nguồn nước biển bị nhiễm độc nên ngư dân khó nuôi trồng và khai thác thuỷ hải sản. Thêm nữa, rác thải nhựa cũng làm cho cảnh quan biển xấu đi, ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch. Theo báo cáo của APEC, rác thải nhựa trên biển đang gây thiệt hại gần 1,3 tỷ USD mỗi năm cho các quốc gia trong khối.
- Về phương diện sức khoẻ: Các nghiên cứu y khoa đã chỉ ra rằng, các loài cá ăn phải hạt vi nhựa trôi nổi trên biển, chúng sẽ tích tụ các chất độc hại lại. Con người tiêu thụ cá nhiễm độc sẽ có nguy cơ gia tăng cao các bệnh lý như: rối loạn nội tiết, dị tật bẩm sinh, thậm chí là ung thư.
2.4. Ô nhiễm rác thải nhựa ảnh hưởng đến động vật
Rác thải nhựa là nguyên nhân gây ra cái chết của nhiều động vật biển, nhất là động vật có vú. Người ta ước tính rằng hơn 400.000 động vật biển có vú bị chết hàng năm do ô nhiễm nhựa trong đại dương.
Điều này thường xảy ra khi chúng bị vướng mắc hoặc nuốt phải các sản phẩm rác thải được làm từ nhựa.
- Vướng phải: Những đồ vật như lưới đánh cá, chai, cốc, túi nilon… đã gây ra cái chết của nhiều loài động vật biển như hải cẩu, rùa, chim… Những sinh vật này bị mắc kẹt vào rác thải nhựa sẽ không thể tự gỡ rối được, cuối cùng chúng chết vì ngạt, đói hoặc do không có khả năng thoát khỏi kẻ săn mồi.
- Nuốt phải: Các mảnh nhựa trôi nổi trên biển khiến nhiều động vật biển như: cá, rùa, chim biển… tưởng lầm là thức ăn và nuốt phải. Do đặc tính khó phân huỷ nên các mảnh nhựa tích tụ trong dạ dày, khiến chúng không thể tiêu hoá được dẫn đến tử vong.
- Ngoài ra, rác thải nhựa cũng là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm số lượng sinh vật biển. Cụ thể, trong nhựa có hoá chất độc hại là biphenyls polychlorin (PCB). Khi các loài chim biển ăn phải, PCB sẽ tích tụ trong các mô cơ thể và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản.
2.5. Ảnh hưởng trực tiếp đến con người
Rác thải nhựa còn gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ con người. Lý do là vì trong nhựa có chứa rất nhiều hợp chất độc hại như: phthalates, bisphenol A (BRA), diphenyl ether polybrominated (PBDE).
Đây là các chất rất độc hại gây phá huỷ hệ thống nội tiết, làm tổn hại đến hormone tuyến giáp, biến đổi nhiễm sắc thể gây dị tật bẩm sinh, làm chậm sự phát triển của não bộ và ung thư.
- Bisphenol A có trong nhựa có thể sẽ giải phóng khi gặp nhiệt độ cao. Do đó, nếu sử dụng chai, hộp, cốc nhựa để đựng thực phẩm nóng sẽ làm tăng nguy cơ gây bệnh về hormone tuyến giáp và giới tính.
- Hóa chất Phthalates có trong nhựa cũng là tác nhân là xáo trộn hormone giới tính. Thường xuyên tiếp xúc nhiều với Phthalates sẽ làm cho các bé gái có xu hướng dậy thì trước tuổi, bé trai có hành vi ít nam tính…
Trước những tác hại khôn lường của ô nhiễm rác thải nhựa gây ra, thiết nghĩ cần phải có các biện pháp thích hợp để ngăn chặn kịp thời. Vì thế, mỗi cá nhân hãy: hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa một lần, ưu tiên sử dụng các sản phẩm có thể tái sử dụng nhiều lần hoặc dùng các sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn AnEco…