Vé thông hành cho nông sản Việt

Tính đến tháng 1/2023, nông sản của Việt Nam đã có mặt trên thị trường của 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Trên hành trình này, Chỉ dẫn địa lý (GI) được coi là một công cụ để bảo vệ nhà sản xuất, người tiêu dùng, thị trường… Đặc biệt, tại những thị trường khó tính như EU, đây còn là tờ giấy thông hành vô cùng quan trọng.

Ông Riccardo Cozzo đánh giá cao tiềm năng các sản phẩm nông sản Việt Nam.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (gọi tắt là EVFTA) được thực thi trong ba năm qua (1/8/2020) đã tạo đà cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói chung và mặt hàng nông lâm sản nói riêng. Việt Nam có nhiều sản phẩm thực phẩm thế mạnh để tiếp cận thị trường quốc tế, trong đó có châu Âu như: cà-phê, hạt điều, tôm, gạo, rau quả… Riêng gia vị, Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu, quế; đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu hoa hồi. Ngoài ra, các mặt hàng gia vị khác cũng chiếm vị trí khá quan trọng như: ớt, gừng, đinh hương…

Đánh giá cao tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam, ông Riccardo Cozzo – Chủ tịch Tổ chức chứng nhận BioAgriCoop – đơn vị hàng đầu thế giới về phát triển nông nghiệp hữu cơ và các tiêu chuẩn quốc tế đưa ra lời khuyên: Việt Nam cần có những bước chuẩn bị bài bản hơn để đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu về kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc bảo vệ môi trường… Ngoài đạt các chứng nhận organic, GLOBAL G.A.P… thì người tiêu dùng châu Âu đặc biệt có thiện cảm với các sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý (GI) minh bạch, rõ ràng. GI với người tiêu dùng châu Âu không đơn thuần là sản phẩm mà còn có ý nghĩa bảo vệ văn hóa truyền thống, gắn sản phẩm với văn hóa của một vùng đất, góp phần thúc đẩy du lịch. Đây là một tấm vé thông hành quan trọng cho các sản phẩm nông sản nếu muốn chinh phục thị trường châu Âu.

Các chuyên gia thảo luận về cơ hội hợp tác và đầu tư cho nông sản Việt Nam

Thực tế, chỉ dẫn địa lý đã mang lại giá trị thương mại cho nhiều nông sản Việt Nam trên trường quốc tế. Đơn cử như Nước mắm Phú Quốc – sản phẩm đầu tiên của Việt Nam và các nước ASEAN được chính thức bảo hộ tên gọi xuất xứ tại tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu – EU, kể từ khi được EU bảo hộ GI, lượng nước mắm xuất khẩu vào thị trường này đã tăng đáng kể, giá bán của sản phẩm cũng tăng từ 30-50% tùy từng loại. Bên cạnh đó, không chỉ xuất khẩu vào riêng EU mà nước mắm Phú Quốc còn được xuất khẩu sang các thị trường khác như Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Canada… Gần đây, trường hợp vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) là một minh chứng điển hình nhờ GI mà có thể thâm nhập được vào nhiều thị trường khó tính.

 

Vai trò của đơn vị thứ 5

Tính đến tháng 6/2023, Việt Nam đã có 117 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trong nước; hai chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản (vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận); hai chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Thailand (Cà-phê Buôn Ma Thuột, Chè Shan Tuyết Mộc Châu); một chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Liên bang Nga (Cà-phê Buôn Ma Thuột); 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ tại EU thông qua EVFTA.

Ông Đặng Phúc Giang – Chuyên gia Trung tâm phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam)

Ông Đặng Phúc Giang – Chuyên gia Trung tâm phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam) cho rằng: Châu Âu là thị trường khó tính, tuy nhiên khi đã tham gia sân chơi quốc tế thì các doanh nghiệp Việt Nam cần cải thiện để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ phía các nước EU. Thay vì sản xuất đại trà thì chúng ta cần quan tâm hơn đến chất lượng gắn với phát triển bền vững. Theo đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang triển khai nhiều hoạt động để chuyển đổi từ việc sản xuất sản phẩm nguyên liệu thô, cạnh tranh bằng giá sang áp dụng công nghệ, thúc đẩy chế biến, tạo ra sản phẩm đặc sản giá trị cao, đạt các chứng nhận quốc tế. Quy mô sản xuất nhỏ, thiếu liên kết cũng đang được chuyển đổi sang xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, phát triển hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp, xuất khẩu. Quá trình sản xuất cũng được quan tâm gắn với giá trị văn hóa, truyền thống bản địa, phát triển du lịch bền vững.

Tại hội thảo “Quy định mới về tiêu chuẩn ORGANIC, GI của Liên minh châu Âu EU và cơ hội kết nối đầu tư – thương mại các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam với thị trường quốc tế” do Viện phát triển công nghệ ITD tổ chức, nhiều chuyên gia đã đề cập thêm đến khái niệm “xuất khẩu tại chỗ” như một hướng đi tương lai cho ngành nông nghiệp. Ông Phạm Văn Duy – Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và quản lý Vinalean cho rằng: Để đón đầu dòng vốn FDI trong lĩnh vực nông nghiệp vào Việt Nam, các doanh nghiệp cần chuẩn bị bài bản đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế. Tuy nhiên, nông sản phải đạt chuẩn thì mới vào được các nhà máy chế biến quốc tế đặt tại Việt Nam. Trong xu thế phát triển này, mô hình “Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà nông – Nhà doanh nghiệp” là chưa đầy đủ mà rất cần vai trò của nhà thứ năm, am hiểu tất cả các khâu để kết nối, thúc đẩy phát triển nông nghiệp một cách bền vững.

Tin Liên Quan