Sáng ngày 05/01, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA): Thế và lực để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi có hiệu lực, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; gần 43% vào năm 2025 và 44% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, lần lượt tăng khoảng 15%; 33% và 36,7%. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân là 2,18 – 3,25% năm 2019 – 2023; 4,57 – 5,3% năm 2024 – 2028; 7,07 – 7,72% năm 2029 – 2033.
Cam kết trong EVFTA cho thấy, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một thời gian ngắn. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Ngược lại, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan với khoảng 98,3% số dòng thuế, chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đánh giá, EVFTA mang lại nhiều cơ hội mở rộng thị trường cho hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường 28 quốc gia với hơn 500 triệu dân trong khối EU. Đồng thời, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Việt Nam được hưởng những công nghệ, sản phẩm, dịch vụ tiên tiến từ EU. Tuy vậy, doanh nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ, công nghệ còn lạc hậu; chất lượng nhân lực chưa cao với khoảng 80% chưa qua đào tạo bài bản… là những rào cản, thách thức lớn khi EVFTA có hiệu lực.
Để tận dụng cơ hội từ EVFTA, các đại biểu khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường tính liên kết của khối doanh nghiệp trong nước.
Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam đặt vấn đề, hiện, chúng ta đã xác định một số mặt hàng kinh tế mũi nhọn nhưng liệu đã thực sự phù hợp với thị trường EU? “Điều này cần có nghiên cứu thận trọng, tránh tư duy coi “mũi nhọn” thì ở đâu cũng phù hợp”, ông nói. Thêm vào đó, hiện doanh nghiệp vẫn có tâm lý sợ thua thiệt khi tham gia thị trường quốc tế. Minh chứng là nhiều doanh nghiệp dù xuất khẩu tốt song vẫn phải thông qua doanh nghiệp nước ngoài. Do vậy, “cần có đội ngũ thành thạo trong tư vấn cho doanh nghiệp”, ông Nam đề xuất.
Về phía Nhà nước, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần thực chất hơn; nên tập trung vào chính sách tài chính cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp về mặt thông tin để họ nắm được những yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU. Các thông tin này cần rõ ràng, cụ thể theo từng nhóm hàng, lĩnh vực. Đặc biệt, nên tiếp cận EVFTA theo hướng ngay cả khi hiệp định chưa được phê chuẩn trong năm nay hoặc sang năm để nâng cấp các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam theo tiêu chuẩn châu Âu ngay từ bây giờ. Điều này còn là cách để doanh nghiệp chiếm lĩnh chính thị trường trong nước, qua đó nâng tính cạnh tranh, khi EVFTA được phê chuẩn bảo đảm chúng ta đã sẵn sàng nhập cuộc.
EVFTA được ký kết ngày 30.6.2019. Dự kiến, hiệp định sẽ được các bên phê chuẩn trong nửa đầu năm nay. Đại diện Bộ Công thương xác nhận, hiện cơ quan này đang hoàn thiện tờ trình để trình Quốc hội phê chuẩn.
Tham dự hội nghị, với kinh nghiệm hợp tác nhiều Doanh nghiệp, khách hàng đến từ châu Âu, Viện phát triển công nghệ ITD đã đưa ra những vấn đề cần được Quốc hội quan tâm đó là làm thế nào để cho các Doanh nghiệp Việt nam hiểu biết sâu sắc và có các giải pháp đồng bộ và hiệu quả nhằm đáp ứng các chuẩn mực mang tính bắt buộc đó về các vấn Quyền con người, về môi trường- sinh thái, … của Liên minh châu Âu, cũng như người tiêu dùng châu Âu
Viện trưởng Lý Đức Tài trao đổi các đại biểu tham dự hội nghị