Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Doanh nghiệp phải hùng hậu, tầm cỡ, quốc gia mới hùng cường

 Phát biểu tại “Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Không có quốc gia hùng cường nếu không có doanh nghiệp hùng hậu, không thể có nền kinh tế lớn nếu thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng, không thể có doanh nghiệp tầm cỡ nếu thiếu cá nhân xuất sắc”.

Với chủ đề “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – Hội nhập, hiệu quả, bền vững”, ngày 23/12 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ dành cả buổi sáng để đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Chủ trì cùng Thủ tướng có các Phó Thủ tướng: Trương Hoà Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam.

Hội nghị có sự tham gia của các Bộ, Ngành trung ương, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị sáng ngày 23/12

Đây là cơ hội để một lần nữa, cộng đồng doanh nghiệp được đối thoại, thảo luận với Chính phủ, với các bộ ngành về các vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh, làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất thúc đẩy lực lượng doanh nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững trong bối cảnh quốc tế. 

Đây cũng là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tăng cường đoàn kết, liên kết sức mạnh, phát huy lòng tự hào dân tộc để phát triển lớn mạnh, đồng thời có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia, dân tộc, tạo dựng đất nước độc lập, tự chủ, bền vững và hùng cường. 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, doanh nghiệp là lực lượng quan trọng nhất để phát triển kinh tế vì doanh nghiệp là nơi tạo ra giá trị gia tăng chủ yếu, động lực cạnh tranh, sáng tạo mạnh mẽ nhất và là lực lượng tiên phong đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống.

“Không có quốc gia hùng cường nếu không có doanh nghiệp hùng hậu, không thể có nền kinh tế lớn nếu thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng, không thể có doanh nghiệp tầm cỡ nếu thiếu cá nhân xuất sắc”, Thủ tướng nói.

Điểm lại thành tựu kinh tế xã hội năm qua, Thủ tướng cho biết, tốc độ tăng trưởng năm 2019 trên 7%, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất toàn cầu. Môi trường kinh doanh vững chắc với lạm phát thấp và tỷ giá ổn định.

Việt Nam cán đích xuất nhập khẩu trên 500 tỷ USD, một kỷ lục chưa từng có. Dự trữ ngoại hối cũng đạt mức chưa từng có. Thâm hụt ngân sách và nợ công giảm đáng kể, năng lực tài chính nhà nước được củng cố…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đóng góp vào thành quả kinh tế xã hội năm 2019 cũng như hơn 3 thập niên đổi mới có vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam”.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng cảm ơn những đóng góp to lớn, nhiều mặt, có phần thầm lặng của doanh nghiệp chân chính đối với sự phát triển của đất nước. 

Thủ tướng nhấn mạnh 4 trọng tâm để cộng đồng doanh nghiệp thảo luận

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra rằng: Doanh nghiệp phải hùng hậu, tầm cỡ, quốc gia mới hùng cường

Nhấn mạnh năm 2020 là năm quan trọng về đối ngoại, đối nội của đất nước và cũng là năm hoàn thành nhiều mục tiêu trung hạn của nhiều doanh nghiệp, Thủ tướng nêu 4 vấn đề để cộng đồng doanh nghiệp thảo luận.

Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp nêu khó khăn, trở ngại trong quá trình sản xuất, kinh doanh như quy hoạch, tiếp cận đất đai, tín dụng, sử dụng lao động, thủ tục hành chính, thuế, hải quan, giấy phép, cung cấp điện nước… Đặc biệt là vấn đề thanh kiểm tra chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp như thế nào, kể cả tình trạng cơ quan nhà nước dọa nạt doanh nghiệp khi doanh nghiệp có ý kiến trái chiều.

Thủ tướng cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp nêu những thách thức, sức ép đối với doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, kinh tế đất nước ngày càng hội nhập, tác động của cách mạng 4.0; đề xuất cách giúp doanh nghiệp tăng sức đề kháng, cạnh tranh, vượt qua thách thức; đề nghị hiến kế cho Chính phủ hoàn thành mục tiêu năm 2020 và 5 năm tới.

Thủ tướng đề nghị nêu đề xuất những đột phá về cơ chế khuyến khích doanh nghiệp.

Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị nêu đề xuất giải pháp cải thiện nâng cao tương tác giữa Bộ, ngành và địa phương; chia sẻ sáng kiến hay của doanh nghiệp mình, mô hình tốt của địa phương…

“Với doanh nghiệp, tinh thần là dám nghĩ, dám làm, dám đột phá nhưng doanh nghiệp không được làm ẩu, vi phạm pháp luật. Các cơ quan thanh tra, công an, kiểm toán, tòa án… thật sự trân trọng quyền con người, quyền kinh doanh, quyền tài sản theo pháp luật, theo tinh thần cởi trói, tạo điều kiện cho phát triển doanh nghiệp”, Thủ tướng nói.

Doanh nghiệp đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Trình bày báo cáo với chủ đề Phát triển doanh nghiệp – Động lực cho tăng trưởng nhanh và bền vững, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong những năm qua, các doanh nghiệp đã đầu tư một lượng vốn lớn trong tổng đầu tư toàn xã hội; đóng góp tích cực vào tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước, xuất khẩu; là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm, hình thành các chuỗi liên kết giá trị, tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế; trở thành lực lượng nòng cốt trong tạo việc làm, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội.

Đặc biệt, trong bối cảnh bùng nổ của khoa học, công nghệ, các doanh nghiệp có vai trò trọng tâm trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; nhiều doanh nghiệp tư nhân đã thành công, góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng các thương hiệu Việt Nam về công nghệ thông tin trên bản đồ khởi nghiệp thế giới, khơi dậy niềm tin và sự kỳ vọng vào việc sẽ tạo bước tiến đột phá trong phát triển.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2018 đạt 243,5 tỷ USD, tăng 13,2% so với năm 2017; đáng chú ý là đã có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước dần được cải thiện.

Số lao động hiện làm việc trong khu vực doanh nghiệp chiếm khoảng 27% lực lượng lao động của toàn xã hội, thu hút bình quân 14,5 triệu lao động/1 năm trong giai đoạn 2016-2018, tăng 24,4% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kết quả đáng khích lệ này có được là nhờ sự nỗ lực của cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.

“Với định hướng xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, triển khai mạnh mẽ cải cách thể chế, cải cách hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, năng lực cạnh tranh quốc gia và môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện, được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và cộng đồng quốc tế đánh giá cao”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

3 điểm sáng quan trọng của khu vực doanh nghiệp 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, quá trình cải cách mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ cùng với nỗ lực của chính cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần tạo nên những điểm sáng ấn tượng của khu vực doanh nghiệp thời gian qua, có thể khái quát được 3 điểm sáng quan trọng.

Thứ nhất là tinh thần khởi nghiệp kinh doanh ngày càng mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Số doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng cao trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm có thêm trên 126 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên khoảng 760 nghìn doanh nghiệp.

“Niềm tin, kỳ vọng của các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã có mức tăng đáng kể, trong đó, 76% tổng số doanh nghiệp có kế hoạch tăng đầu tư, mở rộng thị trường trong năm 2020, 49% lãnh đạo doanh nghiệp APEC tại Việt Nam bày tỏ “rất lạc quan” về tăng trưởng doanh thu, cao hơn mức trung bình trong khối APEC là 34%”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn chứng.

Thứ hai là chuyển dịch cơ cấu quy mô và ngành nghề có bước chuyển biến tích cực, số doanh nghiệp có quy mô vừa tăng lên và doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ có xu hướng giảm.

Trong những năm gần đây, tỷ trọng doanh nghiệp quy mô vừa tăng từ 2,5% lên 3,5% tổng số doanh nghiệp, tỷ trọng nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ giảm từ 70% xuống 63%. “Điều này cho thấy, vị thế và tiềm lực kinh tế của các doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện đáng kể”, Bộ trưởng nói.

Xu hướng dịch chuyển đầu tư, kinh doanh từ đơn ngành hoặc khai thác tài nguyên thô sang các lĩnh vực chế biến, chế tạo, dịch vụ diễn ra ngày càng mạnh, tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, hàng hóa; trong giai đoạn 2016-2018, tỷ trọng doanh nghiệp đăng ký trong ngành chế biến, chế tạo đã tăng 40%, trong ngành hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ tăng 56,6% so với giai đoạn 2011-2015.

Các mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo diễn ra sôi động, nhiều Start-Up thành công, được các quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm, đầu tư vốn. Xu hướng phát triển bền vững, phát triển bao trùm, nâng cao trách nhiệm xã hội cũng được lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh doanh hướng tới cộng đồng thu nhập thấp, nhóm yếu thế trong xã hội…

Thứ ba là mức độ linh hoạt và đổi mới sáng tạo trong kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến lớn và được các tổ chức có uy tín trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Chỉ số mức độ năng động trong kinh doanh là một trong 3 trụ cột có cải tiến lớn nhất, năm 2019 tăng 12 bậc về thứ hạng so với năm 2018; chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 3 bậc so với năm 2018 và tăng 17 bậc so với năm 2016, lên vị trí 42 và đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, chỉ sau Singapore và Malaysia.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý, cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng sự phát triển và đóng góp của doanh nghiệp đối với sự nghiệp phát triển đất nước là chưa tương xứng với tiềm năng, doanh nghiệp vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, nhất là các điểm nghẽn trong phát triển. Tất cả cần phải được tập trung làm rõ các nguyên nhân, xây dựng và thực hiện các giải pháp cả trước mắt và lâu dài nhằm tháo gỡ, khắc phục và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Bộ TN&MT đồng hành cùng các doanh nghiệp phát triển bền vững

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà khẳng định, Bộ TN&MT luôn đồng hành, hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp vì một mục tiêu chung “hội nhập, hiệu quả, bền vững”.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ ra rằng, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nguồn lực đầu vào của các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội như đất đai, môi trường, không gian phát triển.., các vấn đề về chính sách pháp luật đều liên quan và có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Do đó Bộ TN&MT đã chủ động rà soát để tháo gỡ ngay các nút thắt, rào cản, điểm nghẽn, xung đột thuộc thẩm quyền của Chính phủ để đưa các nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường cho phát triển.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Trong thời kỳ phát triển và hội nhập, Việt Nam sẽ phải thực hiện các Hiệp định, Thoả thuận quốc tế đã cam kết về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực thi các quy định về chất thải, khí thải khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do… Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Việt Nam sẽ có những cơ hội và thách thức đan xen. 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đây sẽ là cơ hội để tất cả các Bộ, Ngành chung tay cùng các doanh nghiệp chuyển đổi các mô hình phát triển kinh tế từ nâu sang xanh, từ kinh tế khai thác tài nguyên sang phát triển những mô hình kinh tế số, tăng trưởng xanh, cacbon thấp, kinh tế tuần hoàn… đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới.

Trong những lĩnh vực Ngành tài nguyên môi trường quản lý, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ TN&MT đang tiến hành sửa đổi hai bộ luật đất đai và môi trường trong đó chú trọng mục tiêu xây dựng việc quản lý đất đai minh bạch, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tạo môi trường pháp lý bền vững để đưa nguồn lực này đóng góp vào việc phát triển kinh tế đất nước.

Đối với lĩnh vực môi trường, sẽ thực hiện đổi mới sáng tạo, chuyển đổi công nghệ, từ đó từng bước tạo động lực cho các doanh nghiệp chuyển đổi và phát triển các ngành nghề mới gắn với sự phát triển về công nghệ, trí thức; các mô hình kinh doanh thân thiện môi trường, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển các-bon thấp…, cùng với phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ tạo ra các chuỗi kinh tế phát triển và bền vững.

Tin Liên Quan