Chiều 23/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Ngành đã tạo được sức bật mới về đầu tư vào nông nghiệp
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2019, dịch bệnh gây thiệt hại chưa từng có trong ngành chăn nuôi; hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản đối mặt với những biến động gây bất lợi lớn. Song, ngành Nông nghiệp đã khép lại năm 2019 với kết quả hoàn thành và vượt ¾ chỉ tiêu theo kế hoạch. Đồng thời, mở ra những vận hội lớn cho tăng tốc phát triển trong năm 2020.
Thủ tướng dự, chỉ đạo Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch năm 2020 ngành NN-PTNT |
Các chỉ tiêu lớn của ngành NN-PTNT đạt được trong năm 2019 gồm: Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD; tỷ lệ che phủ của rừng đạt 41,85%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới (NMT) là 54%, có 111 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Chỉ tiêu đạt thấp là tăng trưởng GDP 2,2% (chủ yếu do bệnh dịch tả lợn châu Phi làm giảm khoảng 1,1% tăng trưởng toàn ngành).
Trong bối cảnh xung đột thương mại ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu, một số thị trường (nhất là Trung Quốc) áp dụng chặt các quy định về nhập khẩu nông thủy sản từ Việt Nam, các mặt hàng nông sản giảm giá từ 10 – 15%… Tuy nhiên cả năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD, tăng khoảng 3,5% so với với năm 2018.
Trong đó, riêng lĩnh vực lâm nghiệp ước đạt trên 11 tỷ USD, tăng gần 20%. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức kỷ lục 9,9 tỷ USD, tăng 14%, cao hơn 1,12 tỷ USD so với năm 2018. 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD tiếp tục được duy trì, trong đó có 5 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gồm gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; cà phê; hạt điều).
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường báo cáo tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch năm 2020 ngành NN-PTNT |
Năm 2019, với việc môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, toàn ngành đã tạo được sức bật mới về đầu tư vào nông nghiệp. Cụ thể trong năm 2019, cả nước đã có 17 dự án đầu tư vào nông nghiệp với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khánh thành, đi vào hoạt động.
Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh. Năm 2019, cả nước đã thành lập mới 2.756 DN nông nghiệp, tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số DN nông nghiệp lên 12.581 doanh nghiệp, tăng 36,23% (nông lâm thủy sản là một trong những lĩnh vực có số DN quay lại hoạt động cao hơn đáng kể so với lượng tạm ngừng).
Ngành nông nghiệp đóng góp lớn vào đời sống người nông dân Việt Nam
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch năm 2020 ngành NN-PTNT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Ngành nông nghiệp nước ta đóng góp ngân sách chưa phải lớn và giàu có nhưng đóng góp rất lớn vào đời sống người nông dân Việt Nam”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Thủ tướng chỉ ra rằng, theo điều tra mới nhất, có trên 60% dân số là nông dân sống ở nông thôn. Do đó, nếu mất mùa, gặp dịch bệnh lớn thì khó khăn trong giải quyết đời sống người dân. “Phi nông bất ổn, nông dân chịu nhiều hy sinh mất mát, chúng ta không quan tâm thì quan tâm ai”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng điểm lại một số nét chính về thành tựu kinh tế – xã hội cả nước đầy ấn tượng trong năm 2019. Nông nghiệp Việt Nam khó khăn, vất vả nhất trong năm nay nhưng đã đạt nhiều mục tiêu xuất sắc nhất, Thủ tướng nhìn nhận. Trong những kết quả đó, Thủ tướng nhắc tới sự kiện gạo ST 25 của Việt Nam được vinh danh là “gạo ngon nhất thế giới”, và nêu rõ, “chúng ta phải ủng hộ thị trường chính ngạch để kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm cho mọi người dân, không thể làm theo kiểu cũ”.
Thủ tướng cho biết, có nhiều tin vui về mở cửa thị trường cho nông sản Việt mà gần đây nhất, trong chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng, nước bạn đã chấp nhập sản phẩm thanh long của Việt Nam.
Lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương tham dự Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch năm 2020 ngành NN-PTNT. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (đứng) tham dự Hội nghị |
Phấn đấu để Việt Nam sớm trở thành một trong những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất
Đánh giá cao việc chủ động thực hiện quyết liệt phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng cho rằng, công tác này đạt hiệu quả rõ rệt, giảm tối đa thiệt hại và chúng ta đã giữ được 25 triệu con lợn, đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu, “chứ không có chuyện thiếu thịt lợn”. Hiện nay, giá thịt lợn đã có xu hướng giảm. Thủ tướng đề nghị xử lý nghiêm việc phao tin đồn thất thiệt để trục lợi.
Từ kết quả tích cực của ngành NN&PTNT, Thủ tướng tặng ngành 10 chữ: Chủ động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng và hiệu quả. Biểu dương nỗ lực của toàn ngành, Thủ tướng đánh giá cao cá nhân Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo sát sao, tác phong “miệng nói tay làm”.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, yếu kém như cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Công nghiệp chế biến chưa phát triển đồng đều, tổn thất sau thu hoạch vẫn còn cao. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do giá xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực giảm. Lao động trong nông nghiệp vẫn chiếm tỉ lệ cao, trong đó lao động thời vụ, nhàn rỗi là nguyên nhân khiến năng suất lao động Việt Nam thấp.
Về mục tiêu nông nghiệp năm 2020 và các năm sau, Thủ tướng đồng ý với báo cáo của Bộ NN&PTNT, nhấn mạnh năm 2020 có nhiều sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước, ngành nông nghiệp phải đóng vai trò tốt hơn để giải quyết vấn đề khó khăn cho đời sống, cho sản xuất, xuất nhập khẩu. Phải nắm được dự báo tình hình thời tiết, cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề dịch bệnh, xu hướng bảo hộ, hàng rào kỹ thuật… đang gia tăng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc – Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp Việt Nam đạt một số mục tiêu năm 2020: Tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp đạt 3%, cao hơn năm nay. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD. Tỉ lệ che phủ rừng mà Quốc hội đã giao là 42%, tỉ lệ đạt chuẩn nông thôn mới 59%, ít nhất có 121 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là thành lập mới 2.000 hợp tác xã nông nghiệp để cả nước có 17.000 HTX nông nghiệp.
Còn mục tiêu đến năm 2025, Thủ tướng đề nghị phải đạt mức tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp trung bình từ 3-3,5%, có thêm 5 mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên để đưa Việt Nam có 15 nhóm mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên với tổng giá trị xuất khẩu là 50 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và đứng top 10 của thế giới.
Phấn đấu có 25.000 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp, gấp 2 lần hiện nay, 35.000 HTX nông nghiệp, gấp 2,3 lần hiện nay để làm nòng cốt phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Phấn đấu có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập của người nông dân đạt 80 triệu đồng/năm, gấp 2 lần hiện nay.
“Ngành nông nghiệp phải nỗ lực phấn đấu để Việt Nam sớm trở thành một trong những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đứng hàng đầu thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh và giao một số nhiệm vụ cho Bộ NN&PTNT như tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tăng cường khâu chế biến, bảo quản nông sản, sản xuất theo tín hiệu và yêu cầu của thị trường, mở rộng phát triển thị trường. Giữ chất lượng và chữ tín các sản phẩm nông nghiệp. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp nông thôn. Sử dụng linh hoạt, có hiệu quả diện tích đất trồng lúa. Sớm lấy lại thẻ xanh của EC về thủy sản, không để bị rút thẻ đỏ.
“Cán bộ ngành nông nghiệp phải giỏi chuyên môn, tận tụy với bà con, cùng xắn quần lội ruộng, lội rừng rừng phòng, chống thiên tai. Tỉnh ủy, UBND phải tìm cho ra Giám đốc Sở Nông nghiệp giỏi, phải tập trung làm kế hoạch trung hạn ngành NN&PTNT 5 năm tới sát đúng, hiệu quả”, Thủ tướng nêu rõ.