EC đánh giá cao nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của ngành thủy sản Việt Nam

  Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc chấm dứt tình trạng khai thác IUU nhưng Việt Nam cần phải cố gắng hơn để được gỡ thẻ vàng.

Ngày 28/12, tại TP. Đà Nẵng, Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội nghị phổ biến các kết quả làm việc lần 2 của Đoàn Thanh tra Ủy ban Châu Âu về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết: Năm 2019, chúng ta đã rất nỗ lực chống khai thác bất hợp pháp, gỡ cảnh báo thẻ vàng. Qua kiểm tra, đoàn Thanh tra EC đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam thể hiện nỗ lực cam kết chính trị, đặc biệt là sự hợp tác, tính minh bạch, trung thực trong cung cấp thông tin.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản phát biểu

Năm 2020, chúng ta phải ngăn chặn, chấm dứt hoàn toàn tàu cá vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài. Đây là thông điệp từ phía EC thông báo cho Việt Nam; thực hiện tốt công tác kiểm soát, giám sát tàu cá khi hoạt động trên biển; đặc biệt là lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo đúng lộ trình; kiểm soát tốt đội tàu khai thác hải sản, phù hợp với cường lực, phù hợp trữ lượng, nguồn lợi hải sản vùng biển Việt Nam, đảm bảo khai thác bền vững, có trách nhiệm, hội nhập quốc tế trong tương lai.

Liên quan đến công tác thực thi pháp luật, hiện nay EC khuyến cáo cần tăng cường hơn nữa thực hiện Nghị định 42 trong xử lý vi phạm hành chính; kiểm soát tốt nguồn gốc thuỷ sản, đặc biệt từ khai thác trên biển, đến chuỗi nhà máy, xuất khẩu sang thị trường châu Âu….

Quang cảnh hội nghị

Báo cáo từ Tổng cục Thuỷ sản cho biết, từ ngày 5-14/11, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thuỷ sản của Uỷ ban Châu Âu (Đoàn Thanh tra EC) đã sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị của Uỷ ban Châu Âu (EC) về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).

Ngày 19/12, Uỷ ban Châu Âu đã thông báo ý kiến đối với các nội dung đã kiểm tra tại Việt Nam, cụ thể: Đoàn thanh tra EC đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và sự nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU.

Trong đó, đặc biệt ghi nhận nỗ lực của của Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp lý, bao gồm sửa Luật Thủy sản, ban hành 02 Nghị định và các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật; đánh giá cao tinh thần hợp tác, sự minh bạch và trung thực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, trao đổi giữa hai bên trong suốt thời gian Đoàn làm việc tại Việt Nam.

Đoàn thanh tra EC khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ so với đợt kiểm tra lần 1 (tháng 5/2018) và đang đi đúng hướng như: Đã tiến hành triển khai thực hiện Luật Thủy sản; cải thiện công tác theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá so với lần kiểm tra trước như: Qua kiểm tra thực tế tại cảng cá Tắc Cậu, tỉnh Kiên Giang đã có sự tiến bộ; quy trình quản lý, tổ chức giám sát tàu cá và kiểm soát sản lượng qua cảng được thực hiện linh hoạt và hiệu quả; Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá…

EC kiến nghị Việt Nam cần kiểm soát tốt nguồn gốc thuỷ sản

Tuy nhiên, Đoàn Thanh tra EC cũng chỉ ra, tiến độ ban hành 02 Nghị định còn chậm so với cam kết; tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình còn chậm; việc xử phạt vi phạm hành chính còn hạn chế và chưa thống nhất giữa các địa phương đặc biệt đối với tàu vi phạm vùng biển nước ngoài; quy mô đội tàu lớn dẫn đến việc quản lý cường lực khai thác còn rất đáng quan ngại, việc tăng đội tàu sẽ xóa bỏ các nỗ lực quản lý nguồn lợi thủy sản bền vững; tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài chưa có dấu hiệu giảm.

EC khẳng định chừng nào Việt Nam chưa giải quyết được vấn đề tàu cá của Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài thì Ủy ban châu Âu sẽ không rút thẻ vàng.

Tin Liên Quan