Bộ Y tế đối thoại, giải đáp những băn khoăn của doanh nghiệp trang thiết bị y tế

Ngày 3/12/2019 tại Hà Nội, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế – Bộ Y tế tổ chức Hội nghị đối thoại Doanh nghiệp về các quy định trong quản lý trang thiết bị y tế (TTBYT) và lấy ý kiến đóng góp về các chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất trang thiết bị y tế trong nước.

Tiếp thu, giải quyết thấu đáo các vấn đề doanh nghiệp phản ánh đúng

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế cho biết, thực hiện hiện chủ trương của Chính phủ về việc giao các Bộ thường kỳ tổ chức đối thoại, làm việc với các Hiệp Hội doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ để lắng nghe, tiếp nhận kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về các vấn đề thuộc phạm vi quản lý, giải quyết kịp thời các vướng mắc đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về việc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Trong đó có nội dung đẩy mạnh phát triển ngành Dược và trang thiết bị y tế, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất thuốc, vắc xin, sinh phẩm, thiết bị, vật tư y tế, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị trong khu vực và trên thế giới.

bo-y-te-doi-thoai-giai-dap-nhung-ban-khoan-cua-doanh-nghiep-trang-thiet-bi-y-te-1

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế phát biểu tại Hội nghị

Đây cũng là dịp Bộ Y tế và các doanh nghiệp đối thoại thẳng thắng trao đổi, chia sẻ những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc gặp phải trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực TTBYT với quan điểm vấn đề nào trả lời được thì phải trả lời ngay; những vấn đề doanh nghiệp phản ánh đúng phải nghiêm túc tiếp thu, giải trình, giải quyết thấu đáo với tinh thần “đồng hành cùng doanh nghiệp”

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Y tế đề nghị các doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động tăng cường đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, nắm vững các quy định… để sản xuất kinh doanh bền vững, hiệu quả. Các hiệp hội cũng cần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, có tiếng nói mạnh mẽ trong phản biện, xây dựng chính sách.

Lùi thời gian cấp số đăng ký trực tuyến cấp độ 4 các TTBYT loại B, C, D đến ngày 31/12/2021

Thông tin tại buổi đối thoại cho biêt, về quy định việc quản lý TTBYT Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 36/2016/NĐ-CP và Nghị định số 169/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 36/2016/NĐ-CP. Đây là các văn bản pháp luật cao nhất trong lĩnh vực TTBYT, lần đầu tiên được xây dựng, ban hành kế thừa một số nội dung của Chính sách quốc gia về trang thiết bị y tế, Pháp lệnh hành nghề Y, Dược tư nhân và theo xu hướng hội nhập quốc tế và khu vực nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý TTBYT của nước ta hiện nay và trong giai đoạn tới.

Đồng thời là khung pháp lý giúp các nhà quản lý, các bệnh viện, đơn vị y tế, các doanh nghiệp nắm rõ các quy định, xác định rõ quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ khi tham gia hoạt động trong lĩnh vực TTBYT: đảm bảo chất lượng, hiệu quả đầu tư và tăng cường quản lý, khai thác sử dụng TTBYT, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tính đến ngày 1/12/2019 Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế đã tiếp nhận, giải quyết 19.229 hồ sơ công bố của DN, thực hiện trả kết quả công bố là 18.644 hồ sơ, thu hồi kết quả công bố 585 hồ sơ, công khai kết quả phân loại 21.740 kết quả…

Đặc biệt, nhằm thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018, Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, Bộ Y tế đã rà soát các điều kiện đầu tư, kinh doanh thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế và xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định 155/2018/NĐ-CP và Nghị định 169/2018/NĐ-CP; thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa với tất cả 10 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Y tế.

Cụ thể, Bộ Y tế đã cắt giảm 1.392/2.005 điều kiện đầu tư, kinh doanh (đạt tỉ lệ 69,43%); 177/233 thủ tục hành chính (đạt 75,97%). Đối với lĩnh vực TTBYT, cắt giảm 20/36 điều kiện đầu tư kinh doanh (đạt tỉ lệ 55,56%), 10/21 thủ tục hành chính (chiếm tỉ lệ 47,62%).

Các nội dung quy định tại Nghị định cơ bản cũng đã căn cứ, chuyển tải các quy định của Hiệp định ASEAN về TTBYT (AMDD) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chính thức có hiệu lực tại Việt Nam để đáp ứng yêu cầu và lộ trình hội nhập khu vực ASEAN và quốc tế theo đúng quy định thực hiện các điều ước quốc tế.

“Việc ban hành Nghị định số 36/2016/NĐ-CP và Nghị định số 169/2018/NĐ-CP đã được các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đánh giá cao nỗ lực Chính phủ trong việc công khai, minh bạch các thể chế pháp lý liên quan đến quản lý TTBYT cũng như tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh TTBYT”- ông Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh.

bo-y-te-doi-thoai-giai-dap-nhung-ban-khoan-cua-doanh-nghiep-trang-thiet-bi-y-te-2

Lãnh đạo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế cùng các đơn vị liên quan tại buổi đổi thoại với các doanh nghiệp về các quy định trong quản lý TTBYT

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, bên cạnh các kết quả đã đạt được, việc quản lý TTBYT trong thời gian qua cũng đã xuất hiện một số tồn tại, bất cập gồm, hệ thống hạ tầng kỹ thuật để thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với tất cả các dịch vụ công thuộc lĩnh vực TTBYT chưa đáp ứng yêu cầu.

Đặc biệt trong bối cảnh thay đổi phương thức quản lý từ chỉ cấp giấy phép nhập khẩu đối với một số mặt hàng sang cấp số đăng ký lưu hành đối với mỗi một sản phẩm TTBYT nên mới chỉ thực hiện được việc tiếp nhận công bố đủ tiêu chuẩn đối TTBYT thuộc loại A mà chưa thể triển khai cấp số đăng ký lưu hành đối trang thiết bị y tế thuộc loại B, C, D.

Do đó, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ, xin ý kiến các bộ ngành lùi thời gian cấp số đăng ký trực tuyến cấp độ 4 đối với TTBYT thuộc loại B, C, D như thời gian ban đầu là từ 1/1/2020 đến ngày 31/12/2021.

Ngoài ra, một số điều kiện kinh doanh không hợp lý nên chưa thật sự tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp như các điều kiện đối với cơ sở sản xuất TTBYT và thực hiện việc việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ…

Giảm tỷ lệ nhập ngoại nhiều loại vật tư y tế tiêu hao

Liên quan đến vấn đề thúc đẩy phát triển sản xuất TTBYT trong nước, theo thông tin của Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế cho biết, trong thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư sản xuất TTBYT, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm có chất lượng.

Những sản phẩm vật tư y tế tiêu hao như bơm kim tiêm, stent mạch vành có phủ thuốc, kim luồn, dây truyền dịch, bông băng gạc, găng tay y tế… cơ bản đã đáp ứng nhu cầu sử dụng tại các cơ sở y tế, giảm tỷ lệ nhập ngoại.

Một số sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như hệ thống chụp X-quang, dao mổ điện, máy theo dõi bệnh nhân… cũng đã được các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, sản xuất, tuy nhiên vẫn còn gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra, thị trường và khó cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập.

bo-y-te-doi-thoai-giai-dap-nhung-ban-khoan-cua-doanh-nghiep-trang-thiet-bi-y-te-3

Một số sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như hệ thống chụp X-quang, dao mổ điện, máy theo dõi bệnh nhân… cũng đã được các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, sản xuất…

“Thời gian qua Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cùng phối hợp xây dựng và trình Chính phủ nhiều giải pháp để hỗ trợ sản xuất TTBYT trong nước

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, các chính sách hiện hành đã có quy định khá đầy đủ cả về diện chính sách và mức độ ưu đãi đối với lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế: Chính sách đầu tư; Chính sách tín dụng; Chính sách thu tiền thuê đất; Chính sách thuế. Quốc hội cũng đã ban hành và thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017; Luật chuyển giao công nghệ 2017; Luật Đấu thầu 2013. Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 35/NQ-CP và Nghị quyết số 19/NQ-CP để cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 139/NQ-CP cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp…trong đó có các nội dung đẩy mạnh, phát triển sản xuất trong nước”- ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết.

Thông tại buổi đối thoại cho biết, tại các hội nghị đẩy mạnh phát triển sản xuất trang thiết bị y tế trong nước vừa qua, các doanh nghiệp đã kiến nghị hiện nay trang thiết bị y tế nhập khẩu có mức thuế 0%, trong khi đó doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế trong nước phải chịu thuế nhập khẩu cao hơn đối với nguyên vật liệu, dẫn tới sản phẩm đầu ra có giá thành rất khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu cùng loại.

Ngoài ra, mức thuế VAT đối với nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất trang thiết bị y tế thường là khoảng 10% trong khi trang thiết bị y tế sản xuất ra có mức thuế VAT là 5%.

Ngày 29/3/2019, Bộ Y tế đã trao đổi và có công văn số 1661/BYT-KHTC đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc xem xét điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với các trang thiết bị y tế trong nước đã sản xuất được, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước (đảm bảo không trái với các cam kết quốc tế) và thống nhất mức thuế VAT đối với nguyên vật liệu đầu vào và thành phẩm trang thiết bị y tế đầu ra để đảm bảo khuyến khích cho doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Thực hiện chương trình hành động của Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 1624/QĐ-BYT ngày 06/3/2018 để triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Đề án “Phát triển công nghiệp thiết bị y tế sản xuất trong nước” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các chính sách hỗ trợ hiện hành đã có quy định khá đầy đủ cả về diện chính sách và mức độ ưu đãi đối với lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, mở cửa thị trường như hiện nay, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trong nước cần chủ động tăng cường đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, nghiên cứu bám sát thị trường để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã, phát triển năng lực sản xuất để cung ứng các sản phẩm máy móc, thiết bị đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, giá cả cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, chinh phục lòng tin của người sử dụng, các bệnh viện, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tin Liên Quan