Ngày 22/8/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm”.
Ảnh Hội Thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, Việt Nam đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều trở ngại, thách thức, gây áp lực lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Trước tình hình hiện đó, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu, trong đó sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, sự an toàn của hệ thống ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, những nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán… đã góp phần hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, thách thức, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để từng bước phục hồi.
Tuy nhiên, tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6, sang đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,6%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%), điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất hạn chế – giải quyết vấn đề này sao cho có hiệu quả là một thách thức lớn của ngành Ngân hàng.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, kịp thời ban hành và quyết liệt chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tín dụng.
Cụ thể, đối với lĩnh vực bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng tiếp cận tín dụng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường bất động sản; triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5 – 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường theo đúng chỉ đạo của Chính phủ đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô 15.000 tỷ đồng (cao hơn dự kiến đặt ra là 10.000 tỷ đồng) từ nguồn lực của chính ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1 – 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của ngân hàng cho vay.
Ngoài ra, có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong một số ngành nông nghiệp chủ lực như lúa gạo, cà phê…
Ảnh Phó Thông đốc NHNH Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo Hội thảo
Ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu, qua đó, khách hàng có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Bà Hà Thu Giang cho biết, đến cuối tháng 7/2023, lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khoảng 96.000 tỷ đồng, với gần 97.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Trước những thách thức trong bối cảnh hiện nay, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, khó khăn còn kéo dài và không ai nói trước được sẽ kéo dài bao lâu, cần sự đồng bộ, thực thi trong quá trình triển khai chính sách. Cụ thể như, với thị trường bất động sản chủ yếu là khó khăn về mặt pháp lý. Bất động sản và ngân hàng ngồi chung trên một chiếc thuyền. Bởi vốn của bất động sản hầu hết của ngân hàng, không có nghĩa bất động sản khó khăn là do ngân hàng. Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản, ngân hàng cũng đã tìm mọi cách, bởi lĩnh vực này là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế.
“Chúng ta phải nhận diện đúng điểm nghẽn để có để tháo gỡ khó khăn hiện nay, nhưng cũng cần bình tĩnh để chia sẻ với Chính phủ, các bộ, ngành lúc này, vì chính sách đã rất quyết liệt, hàng ngày hàng giờ, mục tiêu cuối cùng là để nền kinh tế không trầm lắng, giải quyết được an sinh xã hội.” – Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Đứng ở góc độ điều hành vĩ mô, theo Phó thống Đào Minh Tú, có những thứ thuộc về khó khăn thường xuyên, đó là ngân hàng phải điều tiết tiền tệ, đảm bảo mục tiêu quan trọng nhất là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát đồng thời cũng đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tuy nhiều lúc hai mục tiêu này có ngược chiều nhau nhưng những năm qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, hai mục tiêu này vẫn được đảm bảo.
Bên cạnh đó, giảm lãi suất nhưng phải đảm bảo khối lượng tín dụng, chất lượng tín dụng nhưng vẫn phải đảm bảo về tỷ giá, ổn định niềm tin của nhà đầu tư.
Trong khi đó, là giảm lãi suất cho vay nhưng lại phải hạn chế giảm lãi suất huy động. “Như vậy việc giảm lãi suất cho vay nhưng phải hạn chế giảm lãi suất huy động ở mức độ phù hợp là bài toàn khó.” – Phó Thống đốc chia sẻ.
Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng theo Phó Thống đốc thời gian tới mục tiêu gia tăng tín dụng vẫn phải đặt ra, những việc làm tốt rồi cần làm tốt hơn.
Cụ thể, thứ nhất là tiếp tục hạ lãi suất, NHNN sẽ tiếp tục cân nhắc, tuy nhiên câu chuyện lúc này không hẳn là hạ lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng cần tiếp tục hạ lãi suất, điều này do cân nhắc của TCTD. Sắp tới NHTM phải thể hiện nhiều hơn trách nhiệm với cộng đồng nhưng cũng phải đảm bảo an toàn, không để rơi vào tình trạng yếu kém về tài chính, tiếp theo là giảm các loại phí. Thứ hai là cắt giảm thủ tục tiếp cận tín dụng, kích thích các doanh nghiệp vay vốn, lúc này phải chia sẻ với doanh nghiệp. Tuy nhiên bản chất của NHTM cũng là một doanh nghiệp, huy động tiền của người dân để cho vay vì vậy phải đảm bảo thanh khoản. Thứ ba, chính sách cơ cấu, giãn hoãn lại nợ, Thông tư 02 đã được ban hành, tuỳ điều kiện thực tế sẽ có điều chỉnh phù hợp. Thứ tư, việc ứng dụng công nghệ để tăng khả năng tiếp cận vốn cũng là một vấn đề đang được triển khai như thông tư 06. Thứ năm, tích cực đối thoại với doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các bộ, ngành tăng cường trao đổi để có thể hỗ trợ doanh nghiệp./.
Ảnh: Đại diện Viện ITD chụp hình lưu niệm cùng các đại biểu tham dự hội thảo