Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và khó lường, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã triển khai phương pháp dạy học trên truyền hình. Tuy nhiên, phương pháp này mới chỉ dành cho học sinh lớp 9 và 12 và chưa được áp dụng đại trà trên cả nước, vì thế không tránh khỏi sự không đồng đều và chênh lệch về kiến thức giữa học sinh các khối và các tỉnh, thành khác nhau.
Học qua truyền hình được học sinh và phụ huynh hưởng ứng
Thời gian qua, Chính phủ đã giao trách nhiệm cho ngành giáo dục chủ động quyết định thời gian cho học sinh, sinh viên, học viên quay lại trường học nhưng đây dường như là nhiệm vụ rất khó khăn đối với ngành.
Lý do là ở chỗ hiện vẫn tồn tại tranh luận rất quyết liệt giữa hai quan điểm. Một là, cần cho học sinh, sinh viên tiếp tục nghỉ học vì tình hình dịch bệnh trong nước đang diễn biến phức tạp trong khi các cơ sở giáo dục là những nơi tập trung đông người nên khả năng lây lan lại càng cao.
Hai là, phải nhanh chóng cho học sinh, sinh viên đi học trở lại vì khung thời gian kéo dài năm học đã kịch trần, nếu học sinh, sinh viên tiếp tục nghỉ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn bộ hệ thống giáo dục.
Để có thể vừa đảm bảo cho học sinh không phải đến trường, tránh tập trung đông người vừa có thể ôn tập kiến thức trong thời gian nghỉ học, trong thời gian qua nhiều địa phương đã áp dụng hình thức dạy học trên truyền hình.
Cụ thể, đây là một trong những phương thức học từ xa bên cạnh học hàm thụ, học trực tuyến để tránh tập trung đông người học. Nhiều địa phương trên cả nước đã ủng hộ và hưởng ứng phương pháp này như: Đồng Nai, Vĩnh Long, An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Nam Định.
Mới đây nhất, nhằm giúp học sinh trên địa bàn Thành phố Hà Nội ôn luyện và học tập, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức sản xuất và phát sóng Chương trình học trên truyền hình các môn học năm học 2019 – 2020 dành cho học sinh lớp 9 và lớp 12 từ ngày 9/3.
Từ 9/3, học sinh lớp 9 và 12 ở Hà Nội đã bắt đầu học và ôn luyện các môn phục vụ tuyển sinh qua truyền hình |
Theo ghi nhận của PV Báo TN&MT, dù mới được triển khai trong thời gian ngắn nhưng hình thức học qua truyền hình đã nhận được sự hào hứng của học sinh và khiến phụ huynh yên lòng trong bối cảnh các trường học đang tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19.
Trao đổi với PV Báo TN&MT, bà Nguyễn Kiều Loan – phụ huynh có con trai học lớp 9 tại trường THCS Tân Mai (quận Hoàng Mai – Hà Nội) cho biết: “Hình thức học qua truyền hình đối với các môn Toán, Văn, Anh đã giúp con tôi củng cố kiến thức, kỹ năng về các môn học đó. Trước khi có hình thức học này, trong thời gian nghỉ học chống dịch Covid-19, con tôi chỉ được học qua hướng dẫn gián tiếp của các giáo viên qua email, điện thoại hay mạng xã hội nên hiệu quả không cao”.
Bà Nguyễn Kiều Loan cho rằng hình thức học qua truyền hình sẽ giúp học sinh có thể dành thời gian nhiều hơn cho việc học thay vì sử dụng điện thoại thông minh, ipad hay ti vi chỉ để giải trí.
Em N.D. Khánh, học sinh lớp 9 tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm – Hà Nội) cho biết em rất hứng thú với việc học qua truyền hình. “Nhờ phương pháp học này, em đã ôn tập và củng cố kiến thức đã học trước thời gian nghỉ học chống dịch Covid-19. Em mong rằng bên cạnh việc ôn tập kiến thức cũ, em sẽ được học những bài mới trong thời gian tới” – em Khánh chia sẻ.
Học qua truyền hình: Cần sự phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên
Đánh giá cao về hình thức đào tạo qua truyền hình, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết: Dạy học qua truyền hình là giải pháp hữu hiệu có thể áp dụng đại trà trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Nó khắc phục được những bất cập của việc học tập trực tuyến qua mạng internet. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT vẫn chưa có chỉ đạo thống nhất về việc có áp dụng đại trà phương pháp này hay không.
Tìm hiểu được biết, nhiều phụ huynh và học sinh khối 9 và 12 vẫn chưa biết dạy học trên truyền hình chỉ là ôn tập kiến thức cũ hay học tiếp nối chương trình mới như Hà Nội đang làm.
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Bộ GD&ĐT cũng cần thông tin rõ về những thắc mắc trên, đồng thời phải thống nhất việc học sinh học qua truyền hình là bắt buộc hay tự nguyện, nên học theo nhóm hay học cá nhân.
Khi được hỏi về việc học qua truyền hình trong 3 ngày qua (từ 9-11/3) tại Hà Nội, nhiều phụ huynh cho biết con em của họ tự học chứ không có sự giám sát của thầy, cô trong trường, vì thế sẽ không tránh khỏi đôi lúc có những kiến thức học sinh không hiểu rõ nhưng không có giáo viên trực tiếp giải đáp.
|
Về vấn đề này, theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo bắt buộc các nhà trường phải chủ động tham gia tổ chức, quản lý việc học qua truyền hình, cũng như công nhận và khuyến khích hình thức học này trong thời điểm chống dịch Covid-19.
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, để hình thức học qua truyền hình đạt hiệu quả cao, cần có sự quản lý và giám sát việc học tập của học sinh ở các nhóm nhỏ. Cụ thể, nhà trường cần làm việc với hội cha mẹ học sinh, huy động phụ huynh tham gia vào hoạt động này.