Hiện nay, doanh nghiệp kinh doanh về nông nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, khi người mua vẫn còn tâm lý thích giá rẻ từ các sản phẩm hàng nhái, hàng kém chất lượng. Ngoài ra, khó khăn trong vay vốn ngân hàng nhà nước cũng là một vấn đề gây áp lực trong việc đầu tư thực hiện, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao.
Xoay quanh nội dung này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Viết Hùng – Giám đốc Hợp tác xã Đầu tư nông trại xanh và Phát triển bò Ba Vì – một trong những doanh nghiệp kinh doanh về nông nghiệp.
Ông Tạ Viết Hùng – Giám đốc Hợp tác xã Đầu tư nông trại xanh và Phát triển bò Ba Vì trao đổi với PV Báo TN&MT |
PV: Thưa ông, được biết ông là một trong những doanh nghiệp khởi nghiệp về nông nghiệp, ông có thể chia sẻ về quy trình sản xuất sản phẩm của Hợp tác xã Đầu tư nông trại xanh và Phát triển bò Ba Vì?
Ông Tạ Viết Hùng: Việc đưa công nghệ mới, công nghệ cao, lấy tiến bộ khoa học kỹ thuật làm “đòn bẩy” cho sự hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất chế biến để tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp đang được rất nhiều các doanh nghiệp đưa vào thực hiện trong sản xuất nông nghiệp.
Trên cơ sở đó, chúng tôi kiểm soát rất chặt chẽ từ nguồn nguyên liệu đầu vào. Đối với đàn bò chúng tôi đưa những công nghệ máy móc của Châu Âu vào chăm sóc nuôi dưỡng như: Phối trộn thức ăn TMR, bò được tắm mát, nằm đệm cao su, được mát xa và nghe nhạc hàng ngày nhằm tạo sự thoải mái nhất đối với đàn bò.
Bên cạnh đó, nước uống của bò được chúng tôi dùng nước chức năng sinh học thông qua thiết bị lọc nước công nghệ sinh học BiO của Hàn Quốc, từ nước sạch đưa vào lọc tạo ra Ion âm trong nước giúp cho đàn bò được khoẻ mạnh, tiêu hoá tốt hơn, giảm mùi trong hệ thống trang trại và tạo ra hương vị sữa đặc biệt của vùng đất Ba Vì.
Ngoài ra, chúng tôi có hệ thống máy vắt sữa khép kín đảm bảo sữa ra khỏi cơ thể bò được đưa vào làm lạnh ngay theo tuần hoàn của chu trình vắt sữa – Đây là yếu tố rất quan trọng để tạo lên độ tươi, ngon cho sữa.
PV: Theo ông, các doanh nghiệp nông nghiệp còn gặp phải những khó khăn gì khi thực hiện mô hình này?
Ông Tạ Viết Hùng: Với xu thế hiện nay của thị trường, việc tập trung xây dựng và phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ với sản phẩm hàng hoá sạch, an toàn, tự nhiên đang được các doanh nghiệp nông nghiệp quan tâm và ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, việc quảng bá, đem đến thị trường cho người tiêu dùng vẫn chưa được quan tâm. Đó chính là khó khăn mà các doanh nghiệp kinh doanh về nông nghiệp đang gặp phải hiện nay.
Để tạo ra được một sản phẩm nông nghiệp sạch, tươi ngon, tự nhiên, chất lượng cao thì vốn đầu tư mà các doanh nghiệp phải bỏ ra là không ít mà giá thành lại cao. Trong bối cảnh chịu sức ép “chuộng giá rẻ” của người tiêu dùng, hàng giả, hàng kém chất lượng đang đáp ứng được yêu cầu về giá vì vậy việc cạnh tranh về giá là một bài toán chưa có lời giải với các doanh nghiệp làm thật.
|
Là một doanh nghiệp sản xuất khép kín từ trồng cỏ, nuôi bò, chế biến và tiêu thụ, chúng tôi luôn cam kết mang lại giá trị thực trong từng sản phẩm, sự an tâm của khách hàng, tối đa hóa lợi ích của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm của đơn vị.
Theo đó các sản phẩm sữa TRANG VIÊN của Hợp tác xã đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì đạt tiêu chuẩn 5 không: không chất bảo quản, không chất ổn định, không hương liệu, không tồn dư kháng sinh và không phụ gia thực phẩm.
Để đảm bảo đưa sản phẩm tươi sạch, hoàn toàn tự nhiên, chất lượng tốt đến với người tiêu dùng, theo đó chi phí đầu vào sẽ cao hơn nhiều so với các sản phẩm thông thường từ 20-25%, vì vậy sản phẩm đến với thị trường sẽ có giá thành cao. Điều này khiến việc cạnh tranh với giá rẻ của các sản phẩm kém chất lượng là rất khó để người tiêu dùng chấp nhận bởi người mua có tâm lý luôn thích hàng rẻ hơn.
PV: Thưa ông, ngoài những khó khăn từ phía người tiêu dùng, doanh nghiệp còn gặp vướng mắc gì trong việc đưa sản phẩm ra thị trường hiện nay không?
Ông Tạ Viết Hùng: Trong chăn nuôi – sản xuất sạch bền vững, để có được hiệu quả kinh tế, việc đầu tư cần rất bài bản, từ nhân lực con người cho đến máy móc thiết bị phải có sự đồng bộ. Để thực hiện được những điều đó cần có nguồn tài chính đủ mạnh và ổn định, vì vậy ngoài việc kêu gọi vốn đầu tư, doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ vay vốn từ các ngân hàng chính sách nhà nước, các Quỹ hỗ trợ như: Quỹ phát triển hợp tác xã, Quỹ phát triển nông nghiệp công nghệ cao hoặc hỗ trợ lãi xuất sau đầu tư.
Sản xuất nông nghiệp là một ngành sản xuất gặp rủi ro cao, đầu tư lớn, thu hồi chậm mà lợi nhuận thấp, cho nên rất nhiều doanh nghiệp không “mặn mà” đầu tư vào nông nghiêp.
Là một trong những doanh nghiệp khởi nghiệp, chúng tôi cần đến sự hỗ trợ Nhà nước trong vấn đề về vốn, nhưng để tiếp cận những nguồn vốn đó, ngân hàng đưa ra một số điều kiện mà chúng tôi không đáp ứng được, với các Quỹ hỗ trợ việc tiếp cận của chúng tôi vẫn còn hạn chế.
Một khó khăn khác là vấn đề cơ giới hoá trong chăn nuôi. Những năm gần đây số lượng doanh nghiệp rất nhiều, vì vậy người lao động có nhiều sự lựa chọn và công tác tuyển dụng của chúng tôi rất khó khăn.
Trong bối cảnh đó, cần có giải pháp đưa cơ giới hoá vào sản xuất để giảm nhân lực cũng như giảm giá thành, nhưng việc áp dụng cơ giới hóa cũng cần sự đồng bộ. Việc áp dụng cơ giới hóa phụ thuộc vào từng điều kiện của mỗi đơn vị, vẫn cần phải sử dụng đến con người.
Chúng tôi mong muốn ngân hàng, các Quỹ hỗ trợ có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm bớt các điều kiện thủ tục hồ sơ vay vốn, có thể cho vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay và cho vay bằng tín chấp. Về hỗ trợ lãi xuất sau đầu tư, việc vay vốn ở ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác, thời gian đầu sản xuất còn khó khăn, mong các cấp xem xét hỗ trợ lãi xuất từ 3-5 năm để giảm bớt khó khăn đối với doanh nghiệp như chúng tôi.