Bà Ann Mawe, Đại sứ Thụy Điển góp ý tại Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao và hội nghị quốc tế ngày 5/12 tại Quảng Ninh.
Nằm trong khuôn khổ sự kiện Techfest Việt Nam 2019, Diễn đàn được tổ chức nhằm kết nối nguồn lực phát triển sáng tạo với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương cùng hơn 500 đại biểu, nhà đầu tư, chuyên gia khởi nghiệp trong nước và quốc tế.
Các đại biểu tại diễn đàn. Ảnh: Minh Cương |
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, thời gian qua Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt và được quốc tế ghi nhận. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) chủ trì đánh giá và xếp hạng đã liên tục tăng trong những năm gần đây, và đạt thứ hạng 42/129 quốc gia, tăng ba bậc so với năm 2018. Năm 2019, Việt Nam được WEF đánh giá là nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số và tăng hạng tốt nhất toàn cầu.
Các kết quả này có đóng góp từ các Đề án: Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025; Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp hay hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp được triển khai; hành lang pháp lý được xây dựng như Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018); Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi năm 2017 quy định nội dung về hỗ trợ ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo…
Các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cũng được kết nối với địa phương thông qua các kỳ Techfest. Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, qua sự kiện các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tiếp cận với khách hàng tiềm năng, nhà đầu tư, chuyên gia, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và các cơ quan truyền thông trên thế giới. “Đây cũng là dịp để cộng đồng khởi nghiệp Quảng Ninh có điều kiện giao lưu, tìm hiểu, kết nối, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và liên kết các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam và quốc tế”, bà Thủy nói.
Các diễn giả gợi ý về xây dựng chính sách thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Ảnh: Minh Cương |
Tại diễn đàn, các diễn giả cũng chia sẻ những thành công và cho rằng việc xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam là cần thiết. Bà Ann Mawe, Đại sứ Thụy Điển dẫn ví dụ thực tế Thụy Điển luôn đứng thứ hai chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Đây cũng là quốc gia tổ chức giải Nobel. “Quốc gia chúng tôi rất nhỏ, nhưng điều quan trọng chúng tôi rất là minh bạch và cởi mở”, bà Ann Mawe nói.
Theo bà Ann Mawe, trong hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Thụy Điển có những chính sách hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp mới và có các hiệp hội trường đại học và các tập đoàn lớn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ để khởi nghiệp. Đồng thời có sự hỗ trợ của Chính phủ để xây dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đặc biệt để xây dựng hệ thống về giáo dục làm sao để giúp các sinh viên có tính đổi mới sáng tạo cao, có năng lực về nghiên cứu và năng lực về phát triển.
“Chính phủ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách xây dựng hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng. Chúng tôi cũng chú trọng trong việc chống tham nhũng và thúc đẩy quá trình kỹ thuật số. Đây là một trong những câu chuyện thành công của chúng tôi”, bà Ann Mawe nói.