Việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật khí tượng thủy văn (KTTV) góp phần đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật về KTTV.
Phát sinh vướng mắc từ thực tế
Ngày 15/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật khí tượng thủy văn (KTTV). Căn cứ quy định của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân đã triển khai thi hành các nội dung liên quan.
Theo Tổng cục KTTV, bên cạnh những kết quả đạt được, một số quy định của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP khi áp dụng vào thực tế còn gặp khó khăn, vướng mắc. Trong đó, danh mục công trình chưa bao quát các công trình có tính chất quy định tại khoản 3 Điều 13 của Luật KTTV; một số quy định về loại công trình chưa đủ cụ thể, chi tiết, dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng, yêu cầu tiếp tục minh bạch hóa hồ sơ, đơn giản thủ tục hành chính cấp giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV, hành lang kỹ thuật công trình KTTV cần được điều chỉnh thêm về kỹ thuật cho phù hợp…
Mở rộng phạm vi đối với loại công trình đập, hồ chứa nước quan trọng. Ảnh minh họa |
Mặt khác, thời gian qua Chính phủ đã ban hành một số nghị định liên quan tới hoạt động KTTV. Do vậy, cần điều chỉnh Nghị định số 38/2016/NĐ-CP để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Thực hiện Chương trình công tác năm 2019 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP đảm bảo tuân thủ quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật KTTV. Kỹ thuật soạn thảo, văn phong pháp lý phù hợp theo quy định.
Đồng thời, nội dung quy định của Nghị định đảm bảo rõ ràng, cụ thể, chi tiết và khả thi; không phát sinh thủ tục hành chính mới, đơn giản hóa hồ sơ, biểu mẫu để thuận lợi trong quá trình triển khai, thực thi các thủ tục hành chính. Các quy định của Nghị định phù hợp, đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Sửa đổi, bổ sung 3 Điều
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP nêu rõ các nội dung chính sửa đổi, bổ sung.
Trước hết, điều chỉnh, bổ sung công trình phải quan trắc quy định tại khoản 3 Điều 13 của Luật KTTV. Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 38/2016/NĐ-CP quy định tổng số là 7 loại công trình. Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung đã điều chỉnh, bổ sung quy định tổng số là 9 loại công trình.
Cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây có camera giám sát, cảm biến quan trắc thời tiết. Ảnh minh họa |
Trong đó, giữ nguyên đối với các loại công trình: Sân bay; Tháp thu phát sóng phát thanh, truyền hình có kết hợp khai thác tham quan, kinh doanh phục vụ khách trên tháp; Cáp treo phục vụ hoạt động tham quan, du lịch và Vườn quốc gia. Đây là những công trình phù hợp với tiêu chí quy định của khoản 3 Điều 13 của Luật khí tượng thủy văn. Trên thực tế đã có nhiều công trình đã và đang tổ chức quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV.
Bổ sung mới 2 loại công trình là Tuyến đường cao tốc và Cảng thủy nội địa tổng hợp loại I trở lên.
Giải thích lý do bổ sung 2 loại công trình trên, Dự thảo nêu rõ, đối với tuyến đường cao tốc, hoạt động quan trắc KTTV trên đường cao tốc không phải là vấn đề mới được đặt ra trên thế giới và đang rất phổ biến tại nhiều quốc gia khác. Ở Việt Nam, nhiều tuyến đường cao tốc đã ứng dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) giám sát các điều kiện về thời tiết để có cảnh báo, thông tin đến người tham gia giao thông.
Chẳng hạn như, tuyến Cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình có 56 camera đầu tư từ năm 2013, tuyến Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng có 8 biển báo thông tin điện tử (VMS) được bố trí dọc tuyến; tuyến Cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây có camera giám sát được lắp đặt tại 16 khu vực, cảm biến quan trắc thời tiết và các thiết bị liên lạc vô tuyến; hoặc trên các tuyến đường cao tốc có thiết kế tốc độ từ 80 km/giờ trở lên, hầu hết đã có biển thông báo tốc độ khác nhau, tương ứng với từng điều kiện thời tiết… Tuy nhiên, những thông tin này chưa đầy đủ, vẫn còn thiếu các thông số KTTV cụ thể để cho người, phương tiện tham gia giao thông chủ động thích ứng với điều kiện thời tiết…
“Việc quy định các chủ công trình tuyến đường cao tốc phải quan trắc, cung cấp các thông tin, dữ liệu KTTV sẽ mang lại lợi ích cho nhiều phía, góp phần quan trọng bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, giúp các cơ quan quản lý, điều tiết giao thông ứng phó kịp thời với các điều kiện KTTV bất lợi. Đồng thời, giúp hệ thống dự báo, cảnh báo quốc gia bổ sung thông tin kịp thời, nâng cao chất lượng dự báo, phục vụ cộng đồng hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của Luật KTTV, Luật Phòng chống thiên tai cũng như pháp luật chuyên ngành”, Dự thảo nêu.
Đối với việc bổ sung “cảng thủy nội địa tổng hợp loại I trở lên”, nội dung Dự thảo cũng chỉ ra, thời tiết, các điều kiện KTTV có tác động rất lớn đến sự an toàn của hoạt động giao thông đường thủy nội địa.
Ở Việt Nam, giao thông đường thủy nội địa chủ yếu vẫn dựa vào điều kiện tự nhiên, chịu ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên của khí hậu, thời tiết, lưu tốc dòng chảy, thủy triều… nên có một số tuyến ngay trên cùng một đoạn sông, kênh trong cùng một ngày cũng có những tiêu chuẩn luồng, tuyến khác nhau, chỉ một số loại phương tiện đủ điều kiện hoạt động. Đặc biệt vào mùa mưa lũ, bão, giao thông đường thủy chịu tác động nhiều trước sức gió cường độ mạnh, mưa lớn kéo dài… gây nguy hiểm cho tàu thuyền.
Giao thông đường thủy nội địa ở nước ta chủ yếu vẫn dựa vào điều kiện tự nhiên. Ảnh minh họa |
Do vậy, để bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, đã có nhiều quy định của pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, trong đó có các văn bản quy định về bảo đảm an toàn của hoạt động này trước tác động của thiên tai. Dưới góc độ khuyến cáo kỹ thuật của Quốc tế, theo Tài liệu: Sử dụng thông tin KTTV cho vận hành tiếp cận cảng của Hiệp hội quốc tế về vận tải và cơ sở hạ tầng đường thủy (PIANC), việc sử dụng hầu hết các kênh tiếp cận cảng và các kênh điều hướng đều chịu sự chi phối của điều kiện KTTV.
Hoạt động quản lý của cơ quan chức năng đường thủy nội địa thường dựa trên các giá trị đặc trưng về mực nước, tốc độ gió, hướng gió, độ cao sóng và tầm nhìn ngang, bao gồm phương pháp, kỹ thuật đo đạc, hệ thống đo lường, thu thập thông tin các yếu tố KTTV có độ tin cậy và độ chính xác cao.
Để phù hợp với điều kiện thực tế của các loại công trình cảng thủy nội địa, cũng như đáp ứng yêu cầu của công tác dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia, dự thảo Nghị định quy định chỉ áp dụng đối với cảng thủy nội địa tổng hợp loại I trở lên phải tổ chức quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV.
“Đây là các cảng có tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài, cũng như có vị trí, vai trò và tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của vùng, có lưu lượng trên 200.000 khách/năm. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn của các cảng loại này trước tác động của thời tiết có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp thiết”, Dự thảo nội dung ghi.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung nêu, mở rộng phạm vi đối với loại công trình đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt, loại lớn, loại vừa và hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông (quy định trước đây là hồ chứa thủy lợi có cửa van điều tiết lũ và hồ chứa thủy điện có dung tích toàn bộ từ 3.000.000 m3 trở lên; hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông); cầu có khẩu độ thông thuyền từ 500 mét trở lên (quy định trước đây là cầu qua vùng cửa sông ven biển, eo biển, vịnh hoặc các đảo vùng nội thủy có khẩu độ thông thuyền từ 500 mét trở lên).
Bởi lẽ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, tại Điều 15 đã quy định cụ thể về quan trắc KTTV chuyên dùng. Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật, đồng thời căn cứ yêu cầu thực tế đối với hoạt động khí tượng thủy văn, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung chỉ quy định theo hướng dẫn chiếu đến quy định của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa đối với một số loại công trình đập, hồ chứa nước có tính chất, quy mô chịu tác động và có tác động lớn tới điều kiện KTTV ở khu vực nhạy cảm.
Đối với công trình cầu, hiện nay, Việt Nam đã có nhiều cầu đường bộ qua sông nội thủy có chiều dài trên 500m với khẩu độ thông thuyền rộng, chiều cao toàn cầu tính từ cao độ đáy sông lên đến cao độ mặt cầu lớn, thậm chí lên tới trên 100 m (cầu Pá Uôn, Sơn La). Khi xuất hiện gió mạnh, xoáy thì có tính cộng hưởng lớn, nguy cơ tai nạn cao, gây nguy hiểm cho việc khai thác, vận hành cầu hoặc người, phương tiện đi qua cầu.
Trên thực tế, đa phần các cầu đã có các thiết bị quan trắc phục vụ việc vận hành, khai thác của công trình, ví dụ như hệ thống quạt đo hướng gió, phục vụ cho việc tổng hợp dữ liệu để chỉnh dây văng khi cần thiết đối với các cầu dây văng (cầu Mỹ Thuận, Nhật Tân…). Pháp luật giao thông vận tải đã có quy định đối với cầu lớn phải thường xuyên theo dõi tốc độ gió trên cầu; trường hợp tốc độ gió trên cầu lớn hơn cấp gió theo thiết kế, phải kịp thời đóng cầu tạm dừng lưu thông.
Trong bối cảnh mạng lưới trạm quan trắc KTTV quốc gia còn thưa, chưa đáp ứng yêu cầu về thông tin, dữ liệu khu vực hẹp này, do vậy rất cần thiết được bổ sung các thông tin, dữ liệu từ loại công trình cầu cho Hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV Quốc gia. Đồng thời, quy định trách nhiệm quan trắc sẽ giúp chủ công trình cầu có đủ thông tin, dữ liệu, chủ động trong phòng chống thiên tai.
Điều chỉnh loại công trình Bến cảng thuộc cảng biển loại I và loại II theo danh mục cảng biển, bến cảng thuộc cảng biển Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải công bố (quy định trước đây là Cảng biển loại I và loại II).
Theo nội dung Dự thảo, căn cứ Luật Khí tượng thủy văn và phù hợp với Bộ luật Hàng hải, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2016/NĐ-CP quy định cảng biển loại I, loại II là công trình phải tổ chức quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV.
Trả lời báo cáo về các vướng mắc trong triển khai Nghị định số 38/2016/NĐ-CP của Bộ Giao thông vận tải, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến kết luận yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, lập danh mục công trình, chủ công trình cảng biển phải tổ chức quan trắc, cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV theo quy định của pháp luật về KTTV (Công văn số 11377/VPCP-NN ngày 25/10/2017 của Văn phòng Chính phủ).
Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ GTVT, hiện nay không xác định được chủ công trình tại mỗi cảng biển. Qua công tác theo dõi, kiểm tra, để phù hợp với thực tế mô hình tổ chức, vận hành các công trình thuộc khu vực cảng biển và yêu cầu quan trắc KTTV tại khu vực cảng biển, Bộ TN&MT đề nghị điều chỉnh Công trình Bến cảng thay thế Công trình Cảng biển, phải tổ chức quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV.
“Việc quy định các bến cảng lớn của Việt Nam có hoạt động quan trắc theo quy định của Luật KTTV là hết sức cần thiết, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), vừa bảo đảm an toàn cho hoạt động của tàu thuyền, vừa góp phần quan trọng bổ sung thông tin, dữ liệu có giá trị hết sức quan trọng, phục vụ cộng đồng, phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia”, Dự thảo nêu.
Cũng theo Dự thảo, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới nội dung, chế độ, vị trí quan trắc tương ứng với từng loại công trình phải quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV; thống nhất tên của cơ quan đầu mối trong toàn bộ hoạt động KTTV của Bộ TN&MT là Tổng cục Khí tượng Thủy văn…; sửa đổi, bổ sung một quy định về hành lang kỹ thuật công trình KTTV đảm bảo tính thực tế, rõ hơn nữa trong hoạt động quan trắc với các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội liên quan.
Ngoài ra, sửa đổi, đơn giản, mẫu hóa một số giấy tờ, hồ sơ liên quan đến thủ tục hành chính cấp giấy phép dự báo, cảnh báo KTTV, trao đổi thông tin, dữ liệu KTTV, để vừa thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, vừa minh bạch hóa trong công tác thẩm định, cấp phép, quản lý của cơ quan nhà nước.