I. ISO 14000 LÀ GÌ?
Hệ thống quản lý môi trường
Hệ thống quản lý môi trường là một công cụ quản lý được sử dụng để định hướng và kiểm soát mọi hoạt động của một tổ chức có khả năng gây ra các tác động tới môi trường xung quanh.
Giới thiệu về Bộ tiêu chuẩn ISO 14000 và tiêu chuẩn ISO 14001
Bộ tiêu chuẩn ISO 14000, bao gồm 21 tiêu chuẩn và các tài liệu hướng dẫn khác liên quan đến một số chủ đề về môi trường như:
– Hệ thống quản lý môi trường (Environmental Management Systems);
– Đánh giá hiệu quả môi trường (Environmental Performance Evaluation);
– Ghi nhãn môi trường (Environmental Labeling);
– Đánh giá vòng đời của sản phẩm (Life Cycle Assessment);
– Trao đổi thông tin môi trường (Environmental Communication)
– Quản lý khí nhà kính và các hoạt động liên quan (Greenhouse gas management and related activities)
– Các khía cạnh môi trường trong tiêu chuẩn sản phẩm (Environmental aspects in Product Standards); …
Tiêu chuẩn ISO 14001 được tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) soạn thảo và ban hành lần đầu tiên năm 1996. Tiêu chuẩn ISO 14001 đưa ra các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng cho bất kỳ tổ chức nào có mong muốn xây dựng và áp dụng một hệ thống quản lý môi trường cho đơn vị mình. Ngày 15/11/2004, tiêu chuẩn ISO 14001 được ban kỹ thuật ISO/IEC 207 của tổ chức ISO sửa đổi, cập nhật và ban hành phiên bản ISO 14001:2004 ; Và gần đây nhất, ngày 14/9/2015, ISO 14001 được ISO ban hành phiên bản 2015 (ISO 14001:2015)
Trong bộ tiêu chuẩn ISO 14000, tiêu chuẩn ISO 14001 là tiêu chuẩn được biết đến và áp dụng rộng rãi nhất trên toàn thế giới. ISO 14001 đưa ra một tập hợp các yêu cầu chung làm khuôn khổ để các tổ chức có thể hình thành nên một hệ thống quản lý môi trường của riêng mình. Qua đó, nó giúp các tổ chức hướng tới việc xây dựng một cách tiếp cận có hệ thống các phương pháp quản lý nhằm đạt được mục đích cân bằng giữa việc duy trì lợi nhuận và giảm thiểu các tác động tới môi trường.
Tiêu chuẩn này không đưa ra một chuẩn mực cụ thể nào về môi trường. Vì vậy, nó có thể áp dụng đối với bất kỳ một tổ chức nào có mong muốn áp dụng, không phân biệt quy mô tổ chức, cũng như loại hình sản phẩm, dịch vụ mà họ cung cấp. Tuy nhiên, tiêu chuẩn nhấn mạnh tới việc tổ chức phải xem xét tới các yêu cầu pháp quy về môi trường có liên quan trong quá trình triển khai áp dụng. Do đó, ít nhất tổ chức cũng cần có một kế hoạch khả thi nhằm đáp ứng cácyêu cầu pháp lý về môi trường tại nơi tổ chức dự định xây dựng hệ thống quản lý.
Nội dung của tiêu chuẩn ISO 14001
Bên cạnh các yêu cầu chung, trong đó nhấnmạnh việc cải tiến liên tục, tiêu chuẩn ISO 14001, dựa trên tư duy quản lý căn bản là” Lập kế hoạch – Thực hiện – Kiểm tra – Hành động khắc phục” (Plan – Do – Check – Act/PDCA), được thiết kế theo cấu trúc của ISO 9001:2015, bao gồm các vấn đề chính:
– Xác định phạm vi hệ thống quản lý môi trường
– Thiết lập và phổ biến Chính sách môi trường
– Xác định khía cạnh môi trường đáng kể và tác động của chúng
– Xác định các nghĩa vụ phải tuân thủ, và đánh giá mức độ tuân thủ
– Xây dựng mục tiêu môi trường, kế hoạch thực hiện và kiểm soát mục tiêu
– Xác định rõ chức năng, vai trò và quyền hạn của các vị trí đối với hệ thống môi trường
– Thực hiện các hành động kiểm soát môi trường
– Chuẩn bị và ứng phó với tình trạng khẩn cấp
–Công tác trao đổi thông tin về môi trường với cơ quan quản lý, khách hàng và trong nội bộ tổ chức
II.Lợi ích làm ISO 14000
2.1.Về mặt quản lý môi trường
– Nâng cao nhận thức về môi trường đối với cán bộ công nhân viên
– Thao tác và công tác quản lý môi trường được chuẩn hóa và chuyên nghiệp hơn
– Các khía cạnh môi trường có tác động đến môi trường được xác định cụ thể và nhằm có biện pháp quản lý chặt chẽ.
2.2. Về mặt thị trường và xã hội:
– Khi có chứng chỉ ISO 14001, các cơ quan nhà nước tin tưởng việc tuân thủ pháp luật về môi trường của Doanh nghiệp, giảm thiểu các hoạt động kiểm tra, giám sát trực tiếp, giảm thiểu thời gian và chi phí của doanh nghiệp khi làm việc với các cơ quan nhà nước.
– Có chứng chỉ ISO 14001 sẽ được các cơ quan nhà nước tạo thuận lợi trong quá trình cấp phép, đấu thầu khi tham gia công tác xử lý môi trường tại các địa phương hoặc tại các doanh nghiệp nhà nước.
– Đối với các doanh nghiệp nước ngoài đặc biệt các doanh nghiệp đến từ châu Âu, Mỹ, Nhật, Singapor…rất quan tâm đến vấn đề môi trường, do đó khi tiếp cận với các đối tác nước ngoài, đây gần như là một chứng chỉ bắt buộc để họ nghiên cứu hợp tác, vì vậy có được chứng chỉ ISO 14000 sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho Tổ chức trong quá trình tiếp cận và mở rộng kinh doanh
– Tạo thiện cảm đối với khách hàng, và dân cư xung quanh, tránh được các khiếu nại về môi trường của cư dân
2.3.Về mặt kinh tế- lâu dài:
– Tạo cơ sở dữ liệu để tính toán giảm thiểu mức sử dụng tài nguyên và nguyên liệu và năng lượng đầu vào,
– Góp phần nâng cao hiệu suất các quá trình sản xuất, dịch vụ,
– Giảm thiểu lượng rác thải tạo ra và chi phí xử lý,
– Tái sử dụng các nguồn lực/tài nguyên,
– Tránh các khoản tiền phạt về vi phạm yêu cầu pháp luật về MT
– Giảm thiểu chi phí đóng thuế môi trường,
– Hiệu quả sử dụng nhân lực cao hơn nhờ sức khoẻ được đảm bảo trong môi trường làm việc an toàn,
– Giảm tổn thất kinh tế khi có rủi ro và hoặc tai nạn xảy ra.