(TN&MT) – Thời điểm này, Việt Nam đã bắt đầu bước vào mùa mưa bão với đợt mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đang diễn ra. Những nước gần với Việt Nam như Trung Quốc hay Hàn Quốc cũng đang phải vật lột với mưa lũ lớn lịch sử.
Nguyên nhân của hiện tượng này là gì và Việt Nam có chịu ảnh hưởng của hình thái thời tiết gây mưa như ở các quốc gia khác hay không? Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) xung quanh vấn đề này.
PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu |
PV: Trung Quốc, Hàn Quốc đang hứng chịu những trận lũ lớn lịch sử gây thiệt hại nặng. Qua quá trình theo dõi, phân tích của Viện thì yếu tố gây mưa ở các quốc gia này có mối liên hệ gì với yếu tố gây mưa ở nước ta hay không, thưa bà?
PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương: Yếu tố gây mưa lớn ở các quốc gia khu vực Đông Á và ở Việt Nam đều do tác động giao tranh của các khối không khí tạo nên dải hội tụ. Tuy nhiên, tính chất của hai dải hội tụ tương đối khác nhau.
Dải hội tụ ở Trung Quốc có tính chất địa phương và ít di chuyển xuống phía Nam, nên mưa do dải mây này không ảnh hưởng đến Việt Nam. Trong khi đó, dải hội tụ đang gây mưa ở Việt Nam có tính chất di chuyển từ Bắc xuống Nam với chu kỳ khoảng 5 – 7 ngày và dịch chuyển về phía nam theo mùa. Đây cũng là dải hội tụ có thể hình thành áp thấp nhiệt đới và bão đi vào đất liền Trung Quốc và Việt Nam.
Theo quy luật hàng năm, Trung Quốc sẽ có mưa lớn vào các tháng 5 – 7. Còn tại Việt Nam, dải hội tụ gây mưa ở khu vực Bắc Bộ từ tháng 7 – 8 và đến Trung Bộ từ tháng 9 – 10.
Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và đặc biệt năm nay, do ảnh hưởng của LaNina nên mức độ tác động gây mưa của các dải hội tụ này càng trở nên cực đoan và phức tạp hơn, điển hình như đợt mưa lớn gây lũ lụt ở Trung Quốc trong thời gian vừa qua.
PV: Thưa PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, LaNina sẽ có tác động như thế nào đến thời tiết của Việt Nam trong những tháng tới và sẽ kéo dài bao lâu?
PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương: Hiện nay, ENSO đang ở trạng thái trung gian nghiêng về pha lạnh, có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina trong những tháng tới và có thể kéo dài đến mùa xuân 2021.
Nếu điều kiện khí quyển đại dương đạt ngưỡng La Nina vào các tháng cuối năm, mùa mưa bão năm nay có thể sẽ có những diễn biến phức tạp. Bão có thể tập trung nhiều trong các tháng 9, 10, 11 ở Trung Bộ và khu vực phía Nam.
Lượng mưa trên toàn quốc có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm và khả năng xuất hiện những đợt mưa lớn bất thường. Khu vực Trung Bộ cần chú ý bởi dự báo sẽ có mưa nhiều hơn các vùng khác.
Nếu như mùa đông năm 2019/2020, nhiệt độ trung bình trên hầu hết cả nước đều cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5 đến trên 2°C (vào tháng I/2020, nhiệt độ TB phía Bắc còn cao hơn TBNN tới trên 3°C) thì mùa đông năm 2020/2021 có khả năng đến sớm hơn so với TBNN và sẽ lạnh hơn. Người dân cần đề phòng xuất hiện những đợt rét dị thường, có thể kéo dài trong nhiều ngày hoặc nhiệt độ xuống rất thấp hơn nhiều so với TBNN, khác nhiều so với quy luật khí hậu.
PV: So sánh với lần gần đây nhất xảy ra La Nina thì mức độ tác động đến Việt Nam sẽ tăng lên hay giảm đi, thưa bà?
PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương : Theo số liệu quan trắc thời kỳ 1950 đến nay, ở Việt Nam đã xuất hiện 18 đợt La Nina. Trong đó, đợt dài nhất kéo dài 32 tháng (tháng 7/1998 – 2/2001).
Đợt La Nina gần đây nhất xảy ra từ tháng 10/2017 đến tháng 3/2018, kéo dài trong 6 tháng. Đợt La Nina này tác động đến số lượng xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) hoạt động trên Biển Đông đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, với 20 XTNĐ xuất hiện trong năm 2017. Tác động của đợt La Nina này khả năng sẽ không mạnh hơn tác động của đợt La Nina 2017 – 2018.
Nếu La Nina xuất hiện vào các tháng cuối năm nay thì có khả năng xuất hiện kỷ lục về nhiệt độ tối thấp ở phía Bắc, kỷ lục về mưa lớn ở Miền Trung. Tính đến nay, kỷ lục nhiệt độ tối thấp ở phía Bắc được ghi nhận trong lịch sử quan trắc của Việt Nam là – 4.7 độ C xảy ra ngày 2/1/1974 tại trạm Cò Nòi, tỉnh Sơn La. Kỷ lục mưa lớn ở miền Trung được ghi nhận là 977.6 mm/ngày, ghi nhận vào ngày 30/11/1999 tại trạm Huế.
Câu hỏi 4: Từ đầu năm đến nay, nước ta đã phải hứng chịu nắng hạn gây xâm nhập mặn lịch sử, nhiều địa phương đã rút kinh nghiệm từ những năm trước để chủ động ứng phó. Nhưng với mưa lớn có khả năng tạo ra các giá trị lịch sử trong thời gian ngắn, các tai biến nhanh như lũ, lũ quét, sạt lở đất thì việc ứng phó sẽ cần phải chú ý những điều gì, thưa bà?
PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương: Trong những năm gần đây bên cạnh hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra thường xuyên hơn, các thiên tai lũ, lũ quét và sạt lở đất diễn ra bất thường, mức độ tác động lớn và xảy ra ở nhiều nơi hơn. Chính vì vậy, trong ứng phó, các địa phương cần tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong nhận biết và phòng tránh lũ quét, sạt lở đất. Đó chính là sự nâng cao hiểu biết về lũ quét, tham gia nhận biết để thông báo khi có sự khác thường trong các đợt mưa lớn.
Bên cạnh đó, việc thúc đẩy nghiên cứu nắm bắt quy luật về hình thành lũ quét và sạt lở đất, đánh giá được nguy cơ xảy ra, mức độ tác động của lũ và lũ quét (Bản đồ nguy cơ và phần mềm cảnh báo nguy cơ xảy ra và rủi ro) là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Viện khoa học KTTV&BĐKH đã và đang thực hiện, tham gia thực hiện các nghiên cứu để đưa ra được các bản đồ phân vùng nguy cơ do thiên tai như bão, gió mạnh, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, lũ ống, hạn hán, sạt lở… cho các địa phương trên cả nước phục vụ quy hoạch, hỗ trợ ra quyết định nhằm ứng phó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Đồng thời hàng năm, Viện cũng đưa ra các bản tin dự báo mưa lớn, lũ quét trên phạm vi cả nước.
Các kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học để địa phương có thể tham khảo đưa ra những quyết sách đúng đắn nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
trích nguồn : (baotainguyenmoitruong.vn)